TRANG NGỢI CA VÀ TRI ÂN LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN VÌ NƯỚC QUÊN THÂN VÌ DÂN PHỤC VỤ

Tin nóng

Chuyện bi hài quanh Nguyễn Thiếu Văn-Sư giả Thích Minh Tâm

  Ba câu chuyện dưới đây có tính bi hài, góp phần khắc họa thêm chân dung người tự xưng là tiến sĩ luật – trạng sư, “hòa thượng” Thích Minh ...

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Chống dịch COVID-19: Đừng quá cứng nhắc, máy móc

 Yêu cầu tất cả người dân, kể cả trẻ em dưới 12 tuổi, thậm chí có những trẻ em 2, 3 tuổi ở những vùng nguy cơ thấp, vùng ít nguy cơ xét nghiệm COVID-19 đó không chỉ là một sự lãng phí, tốn kém mà còn gây ra những nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo, gây bức xúc trong xã hội.

Dựng chốt cứng, căng dây, bịt kín trên nhiều tuyến đường, lối đi ở những khu vực cách ly, phong tỏa thực sự đang gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân trong di chuyển, đi lại. Thử hỏi, nếu những khu vực này xảy ra cháy nổ, cấp cứu người bệnh thì sẽ xử lý thế nào?

Đó là hai trong số những vấn đề nổi lên hiện nay khiến dư luận bức xúc từ việc phòng, chống dịch một cách cứng nhắc, máy móc, dập khuôn, không hiểu đúng tinh thần chỉ đạo, chủ trương của cấp trên của chính quyền cơ sở ở một số nơi.

Xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi chỉ nên áp dụng ở những khu vực cách ly, phong tỏa, khu cực có nguy cơ cao (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Hai ngày qua, nhiều cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông, mạng xã hội phản ánh về tình trạng một số quận, huyện, xã, phường ở thành phố Hà Nội gửi thông báo tới các khu dân cư, cư dân các tòa nhà để thông báo về việc xét nghiệm diện rộng, trong đó có nơi thông báo xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, đặc biệt có nơi thông báo xét nghiệm bắt buộc cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên, gây xôn xao dư luận.

Trước tình hình trên, sáng 13/9, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã có trả lời chính thức trước các cơ quan báo chí và dư luận. Theo đó, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, Thành phố đang tiến hành xét nghiệm "thần tốc" diện rộng nhằm sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương áp dụng cứng nhắc, hiểu khác nhau về chủ trương của Thành phố, tiến hành xét nghiệm cho trẻ em dưới 12 tuổi, gây bức xúc trong dư luận.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương rà soát lại các trường hợp cần xét nghiệm, bảo đảm không bỏ sót F0 trong cộng đồng, nhưng cũng không tạo ra bức xúc trong dư luận. Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, không bắt buộc xét nghiệm (trừ những trường hợp có biểu hiện nghi mắc COVID-19) hoặc đang ở trong khu cách ly, phong tỏa. Vào thời điểm thành phố cho phép học sinh quay lại trường học, sở sẽ có kế hoạch tiến hành xét nghiệm với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng...

Vậy là đã rõ, việc tổ chức xét nghiệm cho tất cả người dân, kể cả trẻ em dưới 12 tuổi ở một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội là do cách hiểu khác nhau ở một số địa phương. Đây không phải là chủ trương, chỉ đạo của Thành phố. Việc làm này ở một số địa phương là không cần thiết, không chỉ gây lãng phí, tốn kém về nguồn lực mà còn gây bức xúc trong dư luận, nhất là làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo ở các khu xét nghiệm. Điều này thể hiện cách làm cứng nhắc, máy móc, thiếu linh hoạt của một số địa phương.

Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, hệ thống hô hấp, mũi của trẻ còn rất yếu, lúc lấy mẫu có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của các em, ngoài ra nhiều em thần kinh yếu sẽ bị ám ảnh, để lại ảnh hưởng về tinh thần.

Nhiều chốt cứng được thiết lập để phục vụ giãn cách xã hội

Không những vậy, giờ đi trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, nhất là những khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, khu vực thuộc “vùng đỏ”, nơi tiếp giáp giữa “vùng xanh” với “vùng đỏ”, rất nhiều chốt cứng được lập nên. Nhiều nơi, cơ sở còn cho chăng dây, dựng các vật cứng như gạch, đá, rào sắt để ngăn hoàn toàn lối đi lại.

Thiết nghĩ, việc làm đó có cần thiết? Thử hỏi, nếu trường hợp xảy ra sự cố như cháy nổ, thiên tai, hay những trường hợp người dân có nhu cầu phải đi bệnh viện cấp cứu thì sẽ xử lý thế nào? Khi dọn dẹp được xong các chốt cứng, rào sắt kia thì biết đâu chuyện đã muộn.

Trên mạng xã hội nhiều người đang đặt câu hỏi là chúng ta đang chống dịch hay rào làng, chống dịch có cần thiết phải như vậy, chống dịch có phải sợ hãi đến thế. Thậm chí, còn có người cho rằng, chúng ta đang chống dịch hay “chống lại con người”?

Chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học. Chúng ta không thể chống dịch mà lại dựa trên tư duy, cách làm theo kiểu cứng nhắc, dập khuôn, máy móc.

Người dân đã và đang đồng hành cùng với chính quyền trong cuộc chiến này. Bởi vậy, những biện pháp, cách thức chống dịch nào chưa phù hợp, gây khó khăn, bức xúc cho người dân thì cần phải nhanh chóng điều chỉnh. Sự đồng lòng và đồng thuận của người dân với chính quyền sẽ là yếu tố quan trọng nhất để giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.

Việt Nguyễn

0 Comments:

Đăng nhận xét